TÓM TẮT LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT

Thứ ba - 14/08/2018 07:41 Đã xem: 2866
TÓM TẮT LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT
I - TÓM TẮT LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT!
        
Cách đây hơn 2500 năm ở thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), nước Ấn Độ (India) có vị vua tên là Tịnh Phạn (Suddhodana) và bà Hoàng hậu tên là Maya. Thành Ca Tỳ La Vệ nằm giữa biên giới nước Nepal và Ấn Độ bây giờ. Những di tích lịch sử của đức Phật đã được  di sản văn hóa thế giới UNESCO khai quật và công nhận.
Một hôm, bà Hoàng hậu nằm chiêm bao thấy con voi trắng sáu ngà chui vào bên hông phải của bà. Bà đã đem điềm chiêm bao kể lại cho các quan thần trong triều đình nghe. Ai cũng đoán đây là điềm lành. Chẳng bao lâu, bà mang thai một hoàng thái tử. Theo phong tục truyền thống Ấn Độ, khi người vợ sanh con là về nhà mẹ ruột. Do đó, Khi sắp tới ngày sanh, Hoàng hậu đi về quê mẹ để sanh Thái tử. Trên đường về quê mẹ, Hoàng hậu đi ngang qua khu rừng Lâm Tỳ Ni (Lumbini) có một vườn hoa Vô Ưu.Theo truyền thuyết Ấn Độ thì hoa này 1000 năm mới nở một lần. Vì thế, Hoàng hậu đã dừng chân ở đây để ngắm nhìn hoa. Bà giơ tay lên định hái một bông hoa. Đột nhiên, bà chuyển bụng liền hạ  sanh ra Thái tử.
Thái tử được sanh ra dưới cây Vô Ưu vào ngày 15 tháng 04 ÂL năm 624 trước tây lịch tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini).
Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nơi đức Phật đản sanh 
 Nay vẫn thuộc lãnh thổ nước Nepal. Vua cha đã đặt tên Thái tử là Tất Đạt Đa hay còn gọi là Sĩ Đạt Ta (Siddhattha). Hoàng hậu sanh ra thái tử được bảy ngày thì băng hà và thác sanh lên cõi trời Đao Lợi. Bởi vậy, người em gái của bà là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề làm dì mẫu nuôi thái tử.
Theo hình tượng, Thái tử ra đời đi bảy bước và tay phải chỉ lên trời và tay trái chỉ xuống đất.
- Ngài đi bảy bước là tượng trưng cho đã có bảy vị Phật ra đời trên trái đất này. Ngài là vị Phật thứ bảy.
 *Bảy vị Phật đó là: 1) Quá Khứ Tỳ Bà Thi Phật; 2) Thi Khí Phật; 3) Tỳ Xá Phù Phật; 4) Câu Lưu Tôn Phật; 5) Câu Na Hàm Mâu Ni Phật; 6) Ca Diếp Phật; 7) Thích Ca Mâu Ni Phật.
- Ngài tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất và nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, nghĩa là “ Trên trời dưới đất, chỉ có cái ngã được tôn quý, ngã ở đây hàm ý là Phật tánh (Tánh giác ngộ)”.
         Thái tử lớn lên học thông suốt các môn và tài giỏi mọi mặt, đặc biệt là Thái tử rất thương người và loài vật. Khi còn nhỏ, thái tử thường hay thích ngồi tĩnh lặng một mình. Khi trưởng thành lúc 16 tuổi năm 608 trước tây lịch, thái tử kết hôn với công chúa Da Du Đà La (Yasodhara). Hai vợ chồng sanh ra một người con trai tên là La Hầu La (Rahura).
         Một hôm Thái tử xin vua cha ra kinh thành để dạo chơi khắp bốn cửa thành. Thái tử đến cửa thành thứ nhất, thì chợt thấy một cụ già chống gậy đi rất khổ sở và thái tử hỏi người hầu: “Tại sao người nầy già nua như vậy?”. Người hầu trả lời: “Thưa Thái tử! Ai sanh ra rồi cũng phải già khổ như vậy, không ai thoát khỏi cả”. Viếng cửa thành thứ hai, Thái tử thấy một người bệnh nằm đau đớn. Thái tử hỏi người hầu: “Sao người nầy bệnh vậy?”. Người hầu trả lời: “Thưa Thái Tử! Bệnh không tha cho ai hết. Già trẻ bé lớn gì cũng bị bệnh hết, không ai thoát khỏi cái bệnh cả”. Tiếp đến là cửa thành thứ ba, Thái tử chứng kiến một người chết đang hỏa thiêu. Thái tử hỏi người hầu: “ Sao người nầy chết thiêu như vậy?”. Người hầu đáp: “Thưa Thái tử! ai sanh ra rồi cũng phải già, phải bệnh. Bệnh là nguyên nhân đưa đến cái chết. Chết là kết thúc kiếp người. Thái tử cũng không thoát khỏi cái chết nầy”. Cuối cùng đến cửa thành thứ tư, Thái tử gặp một vị tu sĩ. Thái tử đến hỏi vị tu sĩ: “Tu tập thiền quán để làm gì?”. Vị tu sĩ trả lời: “Thưa Thái tử! tu tập thiền quán có thể giúp chúng ta thoát ly cái khổ sanh, già, bệnh và tử, thoát ly sanh tử luân hồi”. Sau khi nghe vị tu sĩ giảng dạy về con đường giải thoát sự vô thường lão bệnh, Thái tử giác ngộ, thấy được sự thật giả tạm của cuộc đời. Vì khi thân nầy chết đi, thì tất cả sự nghiệp của cuộc đời mất hết. Chỉ còn cái nghiệp thiện ác theo chúng sanh thôi. Qua đó mới thấy rằng thân nầy giả tạm, nên cuộc đời cũng chỉ tạm bợ mà thôi. Vì lý đó, thái tử đã quyết định về cung điện xin vua cha cho đi xuất gia tầm sư học đạo, nhưng vua cha không đồng ý, vì nhà vua chỉ có một đứa con trai là Thái tử để nối ngôi.
Cuối cùng, Thái tử nữa đêm trốn ra kinh thành đi xuất gia tầm sư học đạo. Thái tử đi xuất gia lúc đó 19 tuổi, vào ngày 08 tháng 02 âm lịch năm 605 trước tây lịch. Thái tử đã tu học thiền định với nhiều vị thiền sư trong suốt 5 năm và đã thành tựu các bậc thiền ở cõi trời sắc giới và cõi trời vô sắc giới. Sau đó, Thái tử tu tập thiền quán 6 năm với 5 anh em Kiều Trần Như ở núi Tượng Đầu hay còn gọi là Khổ Hạnh Lâm. Trong thời gian tu tập nầy, Thái tử siêng năng tu tập và sống trong đại định. Vì thế, Thái tử quên ăn bỏ ngủ và đến lúc kiệt sức. Cũng may, nhờ nàng Suyata đi chăn bò đã phát tâm cúng sữa cho Thái tử, trong lúc Thái tử hết sức. Nàng Suyata là người cúng dường đầu tiên cho đức Phật.
Ngày 08 tháng 12 ÂL năm 594 trước tây lịch, lúc 30 tuổi, Thái tử ngồi thiền quán 49 ngày dưới cây Bồ Đề và đã thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), thành phố Gaya, thủ đô Patna, nước Ma Kiệt Đà (Magadha), tiểu bang Bihar, nước Ấn Độ.
Sau khi thành đạo, Ngài đi đến vườn Lộc Uyển (Sarnath), thành Ba Na Đại (Varanasi) thuyết bài pháp đầu tiên “Tứ Diệu Đế” cho 5 anh em Kiều Trần Như. Năm anh em đồng tu nầy sau khi nghe bốn chân lý đều giác ngộ chứng quả A La Hán. Bài pháp “Tứ Diệu Đế” là bài pháp đầu tiên.
Kế tiếp Ngài đi đến Thành Vương Xá –Rajgir, nước Ma Kiệt Đà (Magathda), nơi trị vì của vua Tần Bà Sala và hoàng hậu Vi Đề Hi. Đức  Phật hóa độ và quy y Tam Bảo cho vua Tần Bà Sa La (Bimbisala). Đây là vị vua đầu tiên được đức Phật hóa độ. Sau đó, vua đã phát tâm cúng dường đức Phật mảnh đất làm Tịnh Xá và được gọi là Trúc Lâm Tịnh Xá. Đây là tịnh xá có đầu tiên.
 
Mặt tiền tháp Bồ Đề Đạo Tràng
Đức Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề nầy
 
Tháp kỷ niệm nơi đức Phật gặp lại năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển
Vườn nai (Sarnath) nơi đức Phật thuyết pháp đầu tiên
Tháp Niết Bàn - Nơi đứ Phật nhập niết bàn dưới cây Sala 
 
Tượng nằm nhập niết bàn trong Tháp

 
Tháp trà tỳ (nơi hỏa táng)
            Ông Cấp Cô Độc là người giàu có, rất có lòng thánh thiện giúp đỡ những người khổ, cô đơn. Ông sống trong thành Xá Vệ (Sravasti) do vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) trị vì đương thời. Ông đã cúng dường cho đức Phật tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana) ở thành Xá Vệ. Đây là tịnh xá thứ nhì đức Phật thành lập cho Tăng chúng tu học.
Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati) là dì Mẫu của đức Phật đã được xuất gia ở thành Tỳ Xá Ly (Vajsali), cùng với 500 kỷ nữ. Bà là người Ni đầu tiên được đức Phật cho xuất gia và Ni đoàn được thành lập từ nơi đây.
Sau khi thành đạo, đức Phật thuyết pháp độ cho các vị vua quan cho đến dân chúng, các từng lớp trong xã hội, từ người xuất gia cho đến tại gia khắp nơi trong suốt 49 năm. Ngài đã viên thành việc hoằng pháp lợi sanh và thành lập Tam Bảo. Ngài đi về vùng Câu Thi Na (Kushinagar), thủ đô Pava, Xứ Malla, nhập đại định và an trú niết bàn dưới cây Sala Song Thọ.   Ngài nhập niết bàn lúc đó 80 tuổi, vào ngày 15 tháng 02 ÂL năm 544 trước tây lịch.
Ngài Ma Ha Ca Diếp (Maha Kassapa) là người đệ tử đầu tiên, được đức Phật truyền Y Bát, để lãnh đạo Tăng đoàn và tiếp nối mạng mạch Phật giáo. Sau khi Phật nhập niết bàn 100 ngày, Ngài làm chủ tọa tổ chức kết tập Kinh Điển ở động Thất Diệp, tại thành Vương Xá (Rajgir), nước Ma Kiệt Đà (Magadha). Đây là lần kết tập Kinh Điển đầu tiên.
         Ngài A Nan là thị giả của đức Phật. Ngài đã giúp tôn giả Ca Diếp trùng tuyên giáo pháp của đức Phật trong lần kết tập Kinh Điển đầu tiên. Ngài là người thứ nhì được tôn giả Ca Diếp truyền Y Bát trong truyền thống thiền tông truyền thừa Y Bát. Các vị tổ đã truyền y bát với nhau cho đến tổ Huệ Năng là tổ thứ 33 trong thiền tông Phật giáo.
Chư Tăng sau này thiết lập trường đại học Phật Giáo Nalanda thuộc thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà (Magadha). Đây là trường đại học Phật giáo quốc tế đầu tiên ở Ấn Độ.
  • 500 năm sau Phật giáo Ấn Độ được truyền khắp các nước là nhờ vua A Dục (Asoka). Đây là vị vua đầu tiên có công giúp cho Phật giáo được truyền ra nước ngoài.
  
MƯỜI VỊ ĐẠI ĐỆ TỬ CỦA
ĐỨC PHẬT THÍCH CA
 
1 – Đầu đà khổ hạnh  đệ nhất đại đức Ma Ha Ca Diếp Tôn Giả.
2 – Đa văn đệ nhất đại đức A Nan Đà Tôn Giả.
3) Trí huệ đệ nhất đại đức Xá Lợi Phất Tôn Giả.
4 – Giải không đệ nhất đại đức Tu Bồ Đề Tôn Giả.
5 – Thuyết pháp đệ nhất đại đức  Phú Lâu Na Tôn Giả.
6 –– Biện luận đệ nhất đại đức Ca Chiên Diên Tôn Giả.
7 - Thần thông đệ nhất  đại đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.
8 – Thiên nhãn đệ nhất  đại đức A Na Luật Tôn Giả.
9 – Trì luật đệ nhất đại đức  U Ba Ly Tôn Giả.
10 – Mật hạnh đệ nhất đại đức La Hầu La Tôn Giả.
 
33 VỊ TỔ THIỀN TÔNG
 
Sau khi đức Phật nhập niết bàn. Ngài truyền y bát cho tổ Ma Ha Ca Diếp là người đại diện lãnh đạo Tăng đoàn. Các vị Tổ đã truyền y bát của Phật với nhau cho đến tổ Huệ Năng là vị Tổ thứ 33. Các vị Tổ đều là những bậc chứng đạo. Sau khi mãn việc hoằng pháp lợi sanh, các ngài không đợi cho thân nầy già, bệnh, rồi chết như những chúng sanh khác, mà các Ngài nhập định ra đi nhẹ nhàng như đức Phật. Đây là sự ra đi của những bậc liễu sanh thoát tử. Ngài Huệ Năng đã nhập định ra đi và để lại nhục thân bất hoại cho đến bây giờ ở chùa Nam Hoa, Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, nước Trung Hoa. Bên cạnh của ngài Huệ Năng còn có ngài Hám Sơn, ngài Đằng Điền. Ở núi Cửu Hoa Sơn nước Trung Hoa có ngài Kim Kiều Giác, ngài Vô Hà thiền sư, . . . Ở Việt Nam có ngài Đạo Chân và ngài Đạo Tâm đã để lại nhục thân tại chùa Đậu, thôn Gia Phúc, huyện Thường Tín, Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ), Việt Nam
 
VỊ TỔ THIỀN TÔNG ẤN ĐỘ
 
1 -Tổ Ma Ha Ca Diếp, 2 - Tổ A Nan,
3 - Tổ Thương Na Hòa Tu, 4 - Tổ Ưu Ba Cúc Đa, 5 - Tổ Đề Đa Ca, 6 - Tổ Di Giá Ca,
7 - Tổ Bà Tu Mật, 8 - Tổ Phật Đà Nan Đề,
9 - Tổ Phục Đà Mật Đa, 10 - Tổ Hiếp Tôn Giả,
11 - Tổ  Phú Na Giạ Xa, 12 - Tổ Mã Minh,
13 - Tổ Ca Tỳ Ma La, 14 - Tổ Long Thọ,
15 - Ca Na Đề Bà, 16 - Tổ La Hầu La Đa,
17 - Tổ Tăng Già Nan Đề, 18 - Tổ Già Đa Xá Đa, 19 - Tổ Cưu Ma La Đa, 20 - Tổ Xà Dạ Đa,
21 - Tổ Bà Tu Bàn Đầu, 22 - Tổ Ma Noa La,
23 - Tổ Hạc Lặc Noa, 24 - Tổ Sư Tử,
25 - Tổ Bà Xá Tư Đa, 26 - Tổ Bát Như Mật Đa, 27 - Tổ Bát Nhã Đa La, 28 - Tổ Bồ Đề Đạt Ma.
 
6 VỊ TỔ THIỀN TÔNG TRUNG HOA
         Tổ Bồ Đề Đạt Ma là vị Tổ thứ 28 ở Ấn Độ. Ngài đã sang Trung Hoa truyền y bát cho ngài Huệ Khả và tiếp tục truyền cho đến ngài Huệ Năng là vị Tổ thứ 33 thiền tông Phật Giáo. Đối với Trung Hoa, ngài Huệ Năng là vị tổ thứ 6, cũng là người cuối cùng trong sự truyền thừa y bát. Vì ngài Huệ Năng chấm dứt sự truyền thừa nầy.
1- Tổ Bồ Đề Đạt Ma sơ tổ,
2- Tổ Huệ Khả, 3- Tổ Tăng Xán,
4- Tổ Đạo Tín, 5 - Tổ Hoằng Nhẫn,
6 - Tổ Huệ Năng.
Thiền sư Đằng Điền – Lục Tổ Huệ Năng – Thiền Sư Hám Sơn
(Lục Tổ Huệ Năng sanh năm 638, viên tịch năm 713 tại chùa Nam Hoa, Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa)
Thiền sư Đạo Chân – Thiền sư Đạo Tâm
Tại chùa Đậu, thôn Gia Phúc, huyện Thường Tín, Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ), Việt Nam

KẾT TẬP KINH ĐIỂN 
  1. Kết tập Kinh Điển lần thứ nhất, năm 544 thời vua A Xà thế tại động Thất Diệp ở thành Vương Xá (Rajgir), nước Ma Kiệt Đà (Magadha), do ngài Maha Ca Diếp chủ tọa.
  2. Kết tập Kinh Điển lần thứ hai, năm 444 thời vua Kalasoka tại thành Tỳ Xá Ly (Vajsali), nước Vajji.
+ Phật giáo chia làm 2 bộ:
1 - Thượng tọa bộ - Phật Giáo Nguyên Thủy – Nam Tông do ngài Da Xá (Yassa)
2 - Đại chúng bộ - Phật Giáo Phát Triển – Bắc Tông do nhóm Tăng chúng (Vajjiputta).
  1. Kết tập Kinh Điển lần thứ ba năm 244 thời vua A Dục (Asoka) tại thành Pataliputta (Thủ đô Patna), do ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggaliputta – Tissa làm chủ tọa.
  2. Kết tập Kinh Điển lần thứ tư:
A – Nam Tông: năm 200 thời vua Vatta Gamani Abhaya tại nước Tích Lan (Sri Lanka), dịch bằng tiếng Pali.
B - Bắc Tông: năm 200 thời vua Ca Nị Sắc
(Kaniska) tại Kudalavana, nước Kế Tân
(Kasmira), do ngài Mã Minh (Asvaghosa), tổ thứ 12 thiền tông làm chủ tọa, dịch bằng tiếng Sanscrit.
  1. Kết tập Kinh Điển lần thứ năm năm 1871 thời vua Mindon – Mẫn Đông tại Mandalay, nước Miến Điện (Mynanmar).
  2. Kết tập Kinh Điển lần thứ sáu năm 1954 vào dịp lễ Phật đản tại Rangoon, nước Miến Điện (Mynanmar).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỜI THIỆU

Tế Độ Sư của trụ trì Chùa Phật Linh - ĐĐ Thích Hạnh Định

Tế Độ Sư của trụ trì Chùa Phật Linh - ĐĐ Thích Hạnh Định Hòa Thượng Thích Như Điển NGƯỜI KIẾN TẠO NGÔI CHÙA VIÊN GIÁC Ở ĐỨC Hòa Thượng: Thích Như Điển Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc Họ và tên: Lê Cường Đạo danh: Thích Như Điển Ngày và nơi sanh:...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây