LÀM SAO BIẾT NGƯỜI ĐÓ LÀ THÁNH?

Thứ tư - 21/11/2018 21:56 Đã xem: 2122
LÀM SAO BIẾT NGƯỜI ĐÓ LÀ THÁNH?
  • Hỏi:
Bạch Thầy! có người hỏi con: “Làm sao biết người đó là Thánh, thì mình trả lời làm sao?”
  • Trả lời:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính thưa Quý Phật tử!
Chúng tôi không thể biết được ai là Thánh cả. Chỉ có Phật, Bồ Tát và các vị Thánh A La Hán mới biết được họ là Thánh. Chỉ Quý Ngài mới có thể phong Thánh cho các vị Thánh đó. Tương tự như vậy, chỉ có giáo sư y khoa mới có thể cấp bằng bác sĩ cho sinh viên y khoa.
         Như chúng ta biết các vị Bồ Tát và Thánh A La Hán không tự xưng mình là bậc tối thượng hay là Thánh cả. Nên chúng ta hoàn toàn không thể khẳng định người đó là Thánh. Chỉ đức Phật mới biết quý Ngài là Thánh A La Hán và Bồ Tát. Chỉ đức Phật mới chứng nhận quý Ngài là những bậc Xuất Thế.
         Người phàm phu dám công nhận ai đó là Thánh hay bậc tối thượng, mà họ không có gì chứng minh. Vậy là người nầy nói dối. Người phàm phu dám phong Thánh cho các bậc Thánh là càng sai nữa.
         Tuy nhiên, đức Phật có dạy thế nào là một vị Thánh như sau:
I – Lịch sử:
Chúng ta phải nghiên cứu xem người nầy có lịch sử hay không? Nếu họ không có lịch sử, nghĩa là người nầy không có thật. Vì sao? Bỡi vì, người không có lịch sử là người không có cha mẹ, không có thân người, không ai biết người đó ở đâu. Nếu họ không có thân người, thì không ai thấy, không ai biết người đó tốt xấu như thế nào. Nếu họ không có thân người thì làm sao họ dạy giáo lý cho người khác được. Vậy, người không có lịch sử, là không có thân và giáo lý. Họ là người không thật có.
 
II – Thế nào là một vị Thánh:
         Nếu người nầy có lịch sử thật, thì chúng ta nên tìm hiểu thế nào là tư cách đạo đức của một vị Thánh. Thánh là một bậc xuất thế.
1 – Thánh hay đấng Thiêng Liêng không giết người và vật.
2 – Thánh không trộm cướp.
3 – Thánh không tham ái, không hành dâm với ai.
4 – Thánh không nói dối, không nói ác khẩu, không nói lưỡi đôi chiều.
5 – Thánh không uống rượu, dùng các chất say và cờ bạc.
6 – Thánh không vi phạm luật pháp quốc gia.
7 - Thánh là người không phiền não, không khổ đau.
8 - Thánh là người không tham lam, không sân hận, không si mê, không thương, không ghét, không ích kỷ, không ganh tỵ, không gian dối, không bỏn xẻn, không kiêu căng .v.v.
9 - Thánh là người giác ngộ chân lý. Chân lý là sự thật của cuộc đời và sự thật chân tâm.
10 - Thánh là người tâm hoàn toàn trong sạch, thanh tịnh. Bỡi vì, họ tu tập thiền định và họ luôn sống trong đại định.
11 - Thánh là người xuất thế, là bậc vô sanh. Vô sanh nghĩa là họ không còn sanh tử luân hồi nữa. Họ muốn sống hay chết tùy ý.
12 – Thánh là người trí huệ. Họ có khả năng diệt được phiền não, khổ đau, tham lam, sân hận, si mê, .v.v. của chính mình. Nói chung là diệt được vô minh.
13 - Thánh là người đã chứng quả A La Hán, là người đã đạt được Niết Bàn (Niết bàn là trạng thái thanh tịnh của chân tâm).
14 - Những hành giả chứng quả bậc Thánh đều có lục thông như: 1) Thiên nhãn thông (mắt thấy thông suốt), 2) Thiên nhĩ thông (tai nghe thông suốt), 3) Thần túc thông (thân biến hiện tùy ý),  4) Túc mạng thông (biết thông suốt chuyện quá khứ), 5) Tha tâm thông (Thông suốt tâm ý người khác), 6) Lậu tận thông ( trí huệ thông suốt diệt sạch vô minh).
 
III – Có mấy bậc Thánh?
Đức Phật dạy rằng Bậc Thánh nói cho đủ là Thánh Thanh Văn. Thánh là những bậc xuất thế, là bậc thoát ly sanh tử luân hồi. Đức Phật dạy có 4 bậc Thánh Thanh Văn: 1) Tu Đà Hoàn; 2) Tư Đà Hàm; 3) A Na Hàm; 4) A La Hán.
 
IV - Thánh Thanh Văn tu nhân gì?
Đức Phật dạy chúng ta phải tin luật nhân quả. Nghĩa là:
Gieo nhân ác; chịu quả ác.
Gieo nhân thiện; được quả thiện.
Gieo nhân thanh tịnh; đạt quả thanh tịnh.
Thanh tịnh là quả Thánh.
Nếu ai giới thiệu người nầy là Thánh hay đấng Thiêng Liêng, thì chúng ta phải tìm hiểu người nầy tu hành như thế nào mà họ thành Thánh; Họ tu nhân gì? Tu pháp môn gì mà họ thành Thánh. Qua đó, chúng ta biết rằng không có ai không học, không tu mà họ thành bác sĩ, nha sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ cả. Huốn chi, không ai không học, không tu mà họ tự nhiên thành Thánh. Nếu người nào không có nhân tu hành mà họ tự nhiên thành Thánh. Vậy, Thánh đó là Thánh giả rồi. Thánh đó do người ta tự thần Thánh hóa họ. Chứ họ không có nhân tu hành. Họ không thật là Thánh.
Những bậc Thánh Thanh Văn tu tập pháp môn: Tu giới, tu định và tu huệ.
1) Tu giới: là đoạn trừ tất cả điều ác, dứt trừ nghiệp nhân sanh tử luân hồi.
2) Tu thiền định: là thanh tịnh tâm.
3) Tu trí huệ: là diệt trừ vô minh, phiền não, khổ đau, tham, sân, si, .v.v.
        
VI - Khả năng:
         Nếu người đó là Thánh, thì chúng ta xét xem họ có khả năng dạy người ta tu thành Thánh hay không? Nếu không. Vậy, Thánh nầy không có thật khả năng. Họ chỉ có cái tên gọi. Họ là Thánh giả.
         Những vị Thánh Thanh Văn là những bậc chứng quả A La Hán. Họ đều có khả năng dạy mọi người tu hành trở thành A La Hán. Vậy, họ mới là người thật khả năng, là Thánh thật.
VII – Giáo lý:
         Chúng ta phải tìm hiểu vị Thánh nầy có giáo lý hay không? Nếu có giáo lý, thì chúng ta xem giáo lý có dạy con đường Thánh đạo hay không? Nếu không, thì Thánh này không thật khả năng.
Tóm lại: Thánh phải đủ 3 yếu tố: 1) Lịch sử; 2) Nhân tu hành đạo đức; 3) Giáo lý và khả năng hướng dẫn tu hành.
Xin cám ơn Quý vị!
Nam mô A Di Đà Phật.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỜI THIỆU

Lễ Đặt Đá xây dựng chùa Phật Linh

Tường thuật lại buổi “Lễ Đặt Đá” trùng tu chùa Phật Linh ngày19 tháng 05 năm 2005 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Người ta thường nói : “ Mái chùa che chở hồn Dân tộc, Nếp sống muôn đời của Tổ tông”. Thật vậy, câu nói ấy đã được đưa vào những bài hát, hay văn thơ trong lịch...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây