Đường lên nước Kim có gì lạ?

Thứ bảy - 08/10/2016 20:46 Đã xem: 3191
Đã từ lâu, chúng tôi được nghe nhắc đến hoặc được biết qua sách báo hay phim ảnh v.v.. nơi có những dãy núi lớn, cao nhất nhì thế giới, mà nằm chạy dài cả miền bắc Ấn Độ và giáp ranh với nhiều nước như Pakistan, Tây Tạng, Bhutan, Nepal v.v.. đặc biệt nước Kim (hay gọi là Sikkim) nằm lặng lẽ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya).
Đường lên nước Kim có gì lạ?
 Trước tu viện Dali của thầy Ngawang
Đã từ lâu, chúng tôi được nghe nhắc đến hoặc được biết qua sách báo hay phim ảnh v.v.. nơi có những dãy núi lớn, cao nhất nhì thế giới, mà nằm chạy dài cả miền bắc Ấn Độ và giáp ranh với nhiều nước như Pakistan, Tây Tạng, Bhutan, Nepal v.v.. đặc biệt nước Kim (hay gọi là Sikkim) nằm lặng lẽ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya).

Nửa đêm thức giấc, chúng tôi mở mắt nhìn thấy một khung cảnh xa lạ và trong ý thức đã cho chúng tôi biết rằng mình đang ở nước Kim đó nha! Chúng tôi ngồi dạy, nghĩ thật không ngờ mình có dịp đang ở chốn này, mà bấy lâu chưa từng nghĩ tới. Nhưng nếu có nghe, biết cũng chỉ biết qua những bộ phim kiếm hiệp Hồng Kông mà thôi. Hôm nay có duyên đến đây cũng không phải dễ, là nhân duyên hy hữu. Vì vậy chúng tôi cố gắng tường thuật và ghi lại những hình ảnh quanh đây.
 
  Quang cảnh trên núi nhìn xuống
  Quang cảnh trên núi nhìn xuống


Nhân dịp đi Darjeeling để gặp Thầy Hội Trưởng (Lama Ngawang), chúng tôi với Thầy Hải Triều, Thầy Viên Thông và thầy Hạnh Giải cùng đi. Vào lúc 2 giờ chiều ngày 18 tháng 06 năm 2003, chúng tôi khởi hành từ Bồ Đề Đạo Tràng, ngồi xe Buýt tới thủ đô Patna của tiểu bang Bihar lúc 6 giờ chiều, và ngồi tiếp xe lửa từ 10 giờ 30 tối tới Siliguri 12 giờ sáng hôm sau.


 
Buổi cơm gia đình trong nhà thầy Ngawang
Buổi cơm gia đình trong nhà thầy Ngawang
Tới Ga Siliguri chúng tôi ghé vào quán ăn trong Ga để lót Dạ buổi trưa. Sau đó ngồi xe Jeep tiến thẳng tới Tu Viện Dali, nơi Thầy Hội Trưởng làm việc. Nơi đây có hơn 300 Tăng đang tu học. Mất khoảng 4 tiếng đồng hồ với đoạn đường hơn 60 Km mới tới Tu Viện. Khi đến nơi thì Thầy Hội Trưởng đang đứng chờ trước Tu Viện, tay cầm dù che mưa. Chúng tôi gặp nhau hết sức mừng rỡ. Thầy mời dùng trà, hỏi thăm một chút và đưa đi tham quan. Tới Chánh điện, bước vào là một tượng Thích Ca to, nhìn thật trang nghiêm, bên phải là tượng Quan Âm bốn tay và ngài Liên Hoa Sanh; bên trái là Tượng ngài Tara xanh và một vị Tổ của Tây Tạng…tượng nào xem cũng vừa hùng, vừa sắc xảo. Trước Chánh điện có cái sân rộng, từ đây nhìn ra thấy núi đồi, thung lũng như một bức tranh vậy.

Sau đó Thầy cho Tài Xế đưa về nhà của Thầy gần trung tâm Darjeeling, để tiện tham quan. Về nhà đã tối ai nấy cũng mệt với hai ngày đường, nên sau khi dùng cơm xong là lăn lên chiếc giường và thả hồn vào trong cõi mộng. Gia Đình của Thầy ở trong ngôi nhà có nhiều phòng ốc, và vị trí nhìn ra cũng khá đẹp mắt. Họ là gia đình rất thuần túy đạo Phật. Do đó họ rất hoan hỷ sự hiện diện của chúng tôi, và mỗi ngày đã cho thưởng thức những món ăn nửa Âu nửa Á thật ngon.
 
Chụp chung với gia đình của Ngài Ngawang
Chụp chung với gia đình của Ngài Ngawang
Sáng hôm sau Thầy đưa chúng tôi tới khu nhập thất (the Retreat Centre). Khu nhập thất này toạ lạc trên đỉnh núi cao hoang vắng, đường doác đứng sững với những khúc quanh co nhỏ hẹp, nguy hiểm làm sao! đã làm cho chúng tôi kinh sợ, nếu lỡ rơi xuống vực thẳm này thì xác xe chắc cũng không còn, huống hồ là thân mạng mềm yếu của chúng tôi. Nơi đây có 1 ngôi Chánh điện nhỏ được xây dựng vào năm 1936, do một vị Tăng người Ladakh. Ngài đi sang Miến Điện thăm và được tặng cho vài cái Tháp bằng gỗ rất đẹp, và hiện vẫn còn thờ trong Chánh điện. Sau khi Ngài mất thì không người kế thừa, đã bỏ hoang một thời gian. Khi Sư Phụ của Thầy Ngawang đi tị nạn Trung Quốc vào đầu thập niên 60 tới đây và đã được chính quyền Ấn Độ dâng cúng Chùa lẫn đất cả cái núi này. Sư Phụ của Thầy bắt đầu khai sơn phát triển tới ngày hôm nay. Hiện có hơn 20 vị nhập thất, mỗi lần vào là 3 năm. Trong số đó có nhiều vị đã nhập 2, 3 lần rồi.
image005
Khu nhập thất
Được biết những vị này mỗi ngày tự làm cho mình 1 ly bột, không ăn gì thêm. Đa số họ đều tập luyện lửa tam muội, để chóng lạnh khi tu thiền quán vào mùa đông. Chúng tôi nói với Thầy : “Ba năm trong thất tu thật là lâu, nhưng nếu thực hành được thì đạo lực cao lắm”. Thầy nói : “Đúng rồi! nếu chuyên tu tập như vậy 3 hay 9 năm thì khá đó, nhưng so với con đường giác ngộ thì chưa là gì cả”. Chúng tôi nhớ quý Thầy thường dạy rằng Phật tu hành cũng trãi qua ba A Tăng Kỳ kiếp mới thành Đạo. Chúng tôi thiết nghĩ : “Tu tà tà như mình chắc định cư ở cỏi Ta-bà nầy luôn quá !”. Ngoài những vị nhập thất còn có quý Thầy và quý Chú khoảng 30 vị đang tập sự gần bên. Chúng tôi được dẫn tới cái Tháp nhỏ, nơi thờ Hài Cốt của một bác Phật tử ở Pháp. Bác đây có duyên gặp với Sư Phụ của Thầy và ước muốn sau khi chết chôn ở đây. Sau khi tham quan các nơi xong chúng xuống núi trở về nhà.

Hôm sau chúng tôi dạo phố Darjeeling. Phố trung tâm nằm ngay trên đỉnh núi cao khoảng 2300m, do đó có thể nhìn thấy tất cả quang cảnh xung quanh thật tuyệt đẹp. Phố xá không lớn lắm, chỉ cần 30 phút có thể dạo cả phố rồi. Đặc biệt họ có làm một Xã Thú gần đó, nằm sát vách núi, nên thấy rất thiên nhiên làm sao!
 
image007
Biên giới giữa Ấn Độ và nước Kim
Sáng 7 giờ ngày 23 tháng 06 chúng tôi khởi hành đi Sikkim. Từ đây đi Sikkim khoảng 118 km mất hơn 4 tiếng đồng hồ. Anh Tài Xế đưa chúng tôi lướt qua hết ngọn núi nầy tới ngọn núi nọ và xe cứ cập sát núi đi xuyên qua nhiều khu rừng rậm hoang du không nhà không người, chỉ thấy hàng hàng lớp lớp những cây Thông Tùng cao vài chục mét thẳng đứng trùng trùng điệp điệp. Có những cây Thông với những chiếc lá rất lạ, mà bản thân chúng tôi chưa từng thấy qua. Khi đi qua những sườn núi nhìn xuống thung lũng sâu thâm thẳm. Đường gần tới biên giới có con suối thật to và chảy rất mạnh và chạy cặp theo con đường. Tới biên giới phải xin giấy phép, vì nước Kim là khu vực biên giới với Trung Quốc.

Chẳng bao lâu là tới thủ đô Gangtok. Chúng tôi đi hỏi vài khách sạn, nhưng giá hơi cao. Ai nấy đã mệt, lại thêm đói bụng, nên ghé vào quán lót dạ trước, vì người đời thường nói rằng có thực mới giựt được đạo mà phải hôn! Trong lúc mọi người đợi đồ ăn, cá nhân chúng tôi đi tìm nhà trọ. Nhờ hỏi quanh, nên mới tìm được nhà Trọ Modern Central. Khi về quán ăn, chúng tôi thưởng thức buổi ăn no nê và sau đó đưa quý Thầy về nhà trọ cất hành lý. Chúng tôi vội vã xuống đón xe đi Rumtek ngay, vì thời gian ở Sikkim không có lâu.
image008
 Tu viện của Ngài Karmapa ở Rumtek

Trước khi đi bản thân chúng tôi có đọc qua sách hướng dẫn du lịch (The Guide Book in India). Trong sách hướng dẫn không ngoài chuyện leo núi và giới thiệu những Tu Viện lớn cổ xưa. Do vậy mà chúng tôi đã tính trước những nơi mình sẽ đến. Trước khi Trung Hoa sang xâm chiếm Tây Tạng vào năm 1959, ngài Karmapa cùng với dân làng sang nước Kim xin tị nạn. Vì vậy mà ai đến Rumtek không ngoài viếng thăm một Tu Viện nguy nga lộng lẫy vĩ đại, nằm trên đỉnh núi Rumtek. Xung quanh Tu Viện là khu vực dân tị nạn Tây Tạng đang sinh sống. Trước khi vào cổng Tu Viện là có cảnh sát canh gác. Họ đã chặn và giữ Passport của chúng tôi, khi nào ra thì mới trả lại. Khi vào cửa Tu Viện lại có cảnh sát an ninh rà máy xem có mang vũ khí gì không. Không gì ngạc nhiên cả, vì ngài Karmapa thứ 16 đã ảnh hưởng trong nước Tây Tạng và nước Sikkim, cũng như Mỹ Quốc. Cuối cùng ngài mạng chung tại Mỹ và sau vài năm thì Ngài tái sanh ở Tây Tạng, và hiện giờ Ngài sang Ấn Độ tị nạn ở Dharamsala. Khi bước vào khuông viên Tu Viện là ngôi Đại Hùng Bửu Điện nằm ở giữa, xung quanh là những dãy nhà của hơn 400 vị Tăng lớn nhỏ. Trong Đại Hùng Bửu Điện họ thờ đức Bổn Sư, còn hai bên thờ Kinh điển. Bên dưới chư Tăng ngồi đối nhau đầy cả Chánh điện; người thì tụng Chú, kẻ thì thổi Tù-và vang rền cả Chánh điện. Chúng tôi nhẹ bước ra sau, tham quan một gian phòng thờ Xá Lợi trong một cái Tháp mạ vàng; xung quanh được trang hoàng rất đẹp. Chúng tôi chỉ có đứng bên ngoài nhìn vào, vì họ làm tấm kiếng ngăn lại. Trừ khi nào khách đặc biệt mới được phép vào trong. Trên sàn nhà họ lót gỗ rất sạch sẽ và không khí có vẻ ấm cúng vô cùng. Sau lưng Chánh điện có toà nhà nhiều từng lầu, chúng tôi vào xem thử coi có gì lạ. Bên trong rộng rãi khang trang, nền nhà lót đá Marble trắng. Đây là học viện, nên có nhiều phòng học và văn phòng. Chúng tôi cứ đi thẳng lên trên, thì phát giác có một ngôi Chánh điện ở từng cuối, nhưng đã đóng cửa không cho vào. Đứng đây nhìn ra ngoài, chúng tôi mới biết vị trí của Tu Viện có một tầm quan trọng tuyệt vời, vì hít không khí trong lành ở đây tưởng chừng như mình đang thanh lọc Gan và Phổi vậy. Hơn nữa nhìn xuống thung lũng và núi rừng với một khuông cảnh thơ mộng thanh bình như vầy, có thể làm cho tâm hồn người ta vơ đi biết bao sự buồn phiền, âu lo, được mất, hơn thua…vì sợ anh Tài-xế chờ lâu, nên vội xuống núi trở về. Lẽ ra chúng tôi định ghé thêm một Tu viện nữa tên Dagyud trên đường về, nhưng ai nấy đã mệt, không còn sức đi nổi nữa. Về nhà Trọ dùng cơm xong là ai nấy thẳng chân trên giường tới sáng.
Hôm sau chúng tôi khởi hành lúc 8 giờ để đi Phodong. Phodong nằm miền trung cách Gangtok khoảng 38 km, nhưng đường đi thật khó khăn, nhất là vào mùa mưa này. Thành ra ít khi chúng ta thấy khách du lịch đến đây. Do đó nhà hàng khách sạn hơi ế ẫm…riêng chúng tôi có duyên sự công việc, sẵn kết hợp đi viếng thăm cho biết. Đường đi ở đây đèo núi treo leo, phải lượn hết khúc quanh nầy tới khúc nọ, nếu người nào không quen, chắc sẽ bị chóng mặt hoặc ói mửa…đoạn đường có nhiều khúc nhỏ hẹp, mà bị sạt đất nhiều đoạn, nhưng cũng may đi đâu cũng có quân đội dọn đường, làm chúng tôi không phải mất nhiều thời gian chờ đợi.

Dọc đường chúng ta thấy có nhiều con Thác lớn nhỏ chảy lan ra con lộ. Chúng tôi không quên ghé vào chụp hình. Cái Thác nầy sao mà lớn quá! mặc dù chúng tôi đứng cách xa hơn 20m, nhưng hơi nước bay khắp nơi và làm ước cả quần áo. Tuy vậy chúng tôi rất lấy làm thích thú tung tăng như trẻ con.
Bé người dân tộc Sikkim
Bé người dân tộc Sikkim

Phodong không có gì lạ ngoài hai ngôi chùa cổ, mà chúng tôi được giới thiệu qua sách hướng dẫn. Dân cư ở đây đa số là dân Thượng, và họ sống rải rác, thưa thớt trên sườn núi. Đất núi tương đối cũng khá, nên việc canh nông rất tươi tốt. Họ làm những thửa ruộng bên hông vách núi như những bậc thang, nhìn thật tuyệt vời. Khi tới chân doác thì xe bị vướng vào đám lầy, không cách nào ra được. Tự nhiên có bé người dân tộc thiểu số Sikkim, khoảng 11, 12 tuổi thôi, nước da đen xì, còn mặc bộ đồ đen và trùm cái khăn đen trên đầu; bên hông mang một con dao dài, có vỏ cây bao bọc. Mặc dù bé nhỏ con, nhưng ra vẻ lúc nào cũng lanh lẹ và ân cần giúp đỡ, trông thật dễ thương làm sao! Chúng tôi mời Bé chụp chung vài tấm hình lưu niệm. Vì đợi kéo xe lâu quá, nên chúng tôi đành đi bộ 2 km lên chùa chờ đã trưa rồi. Đôi lúc có nhiều đám mây to nhỏ đang ào lướt qua thân mình, làm chúng tôi có cảm giác như đang ở giữa lừng trời hay ở cảnh thần tiên nào đây ?. Vào chùa nầy mọi người nhìn chúng tôi với cặp mắt tò mò không biết mấy Thầy nầy từ đâu đến. Khi họ biết được là người Việt Nam, nhưng cũng chẳng biết Việt Nam nằm ở chỗ nào nữa, mặc dù chúng tôi cố giải thích đủ thứ… Họ hiện có 30, 40 Tăng sĩ người Sikkim. Họ tu học ở đây cũng phải học thêm tiếng Tây Tạng để có thể nghiên cứu thêm Đại Tạng Kinh. Vì Đại Tạng Kinh chưa dịch sang tiếng Sikkim, cũng giống như chúng ta chưa có Đại Tạng tiếng Việt, thành ra phải lệ thuộc vào Hán Văn. Chùa đây Tăng chúng đông, nhưng nhìn có vẻ nghèo nàn, nên quý Thầy phát tâm cúng dường rất dõng mãnh. Khi ra em hướng dẫn hỏi còn một ngôi chùa cổ xưa ở phía trên, và có trước ngôi chùa nầy. Ai nấy cũng méo mặt vì đi không nổi nữa rồi, đành phải thả doác xuoáng đó xe đưa chúng tôi tới một nhà trọ ở làng để dùng buổi cơm thanh đạm trước khi về.

Về tới nhà trọ đã hơn 2 giờ chiều, chúng tôi lăn ra giường thở phì phào, không ngờ đi chơi mà cũng mệt như vậy. Trong lúc nằm trên giường, nghĩ chỉ còn buổi chiều này ở Gangtok, sáng mai là đi sớm rồi. Chúng tôi rủ nhau xuống phố chụp
hình làm kỷ niệm, chứ biết bao giờ mới có dịp đi nước Kim nầy nữa. Nước Kim diện tích 7096 km2, dân số tổng cộng 491000 người. Trước kia là Vương quốc, nhưng sau khi sáp nhập với Ấn Độ thì theo chế độ dân chủ. Do đó Vua không còn quyền nữa. Mặc dù nước Kim trực thuộc về Ấn Độ, nhưng được coi như một nước tự trị. Trước khi đến đây chúng tôi nghĩ người Kim ở hẻo lánh trên Hy Mã Lạp Sơn, chắc họ lạc hậu lắm. Khi tới thủ đô chỉ toàn là Honda loại mạnh và xe hơi (loại Van và xe Jeep), đường xá sạch sẽ, bảng hiệu toàn bằng tiếng Anh. Như vậy chắc chắn họ biết tiếng Anh rất khá. Người Kim rất hiền lành, thật thà chất phát, buôn bán làm ăn không mời mọc, cứ để tự nhiên cho chúng ta coi hàng; nhiều hàng hoá đều có giá sẵn, không nói thách lắm. Nhìn quanh trong Phố không gặp người ăn xin nào cả, như vậy chắc họ không thiếu ăn mặc lắm thì phải ? Họ đi học miễn phí tới lớp 8, sau đó chỉ đóng ít cho nhà trường. Tất cả học sinh ăn mặc đồng phục kiểu Tây phương, con trai mặc quần tây áo sơ mi thắt cà vạt, còn con gái mặc Củn, áo sơ mi, cũng thắt cà vạt, và thêm cái áo len bên ngoài, nhìn rất sang trọng.
 
Thủ đô Gangtok
Thủ đô Gangtok
Đường chính trong Trung Tâm buổi chiều không cho xe chạy để tránh bớt ô nhiễm. Do đó buổi chiều dân chúng nô đùa đi dạo tấp nập. Nếu chúng ta đi thẳng từ đầu tới cuối đường trung tâm mà không ghé vào tiệm xem, thì mất khoảng 15 phút thôi. Khi trời chen lặn thì mới thấy thủ đô Gangtok lên đèn ấm cúng, nhộn nhịp…nhưng họ không mở cửa khuya hay sáng đêm như những nước Thái Lan hay Hồng Kông… Thời gian cứ đi tới không chờ đợi ai cả, nên chúng tôi đành về nhà trọ để thu xếp hành lý.

Sáng ngày 25 tháng 06 lúc 6 giờ chúng tôi điểm tâm sơ, rồi ra bến xe về Siliguri. Chiếc xe Jeep từ từ lăn bánh và chạy xuống, rồi lên đèo vượt qua những chuyền núi trập trùng. Chúng tôi giơ tay tạm biệt nước Kim với bao lưu luyến, và không biết khi nào gặp lại. Để giữ những kỷ niệm chuyến đi nầy, chúng tôi cố gắng ghi lại những kỷ niệm khó quên này.

A DI ĐÀ PHẬT

Tác giả bài viết: Giác Niệm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỜI THIỆU

Tế Độ Sư của trụ trì Chùa Phật Linh - ĐĐ Thích Hạnh Định

Tế Độ Sư của trụ trì Chùa Phật Linh - ĐĐ Thích Hạnh Định Hòa Thượng Thích Như Điển NGƯỜI KIẾN TẠO NGÔI CHÙA VIÊN GIÁC Ở ĐỨC Hòa Thượng: Thích Như Điển Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc Họ và tên: Lê Cường Đạo danh: Thích Như Điển Ngày và nơi sanh:...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây