TRUNG TÂM TU HỌC VIÊN GIÁC Near Kalachakra Maiden Bodhgaya, Bihar, India Tel : 0631 2200237; 2200252 Fax : 0631 2200249
Một hôm, có Thầy Ðài Loan rất trẻ, vui tính, từ Kolkata tới Viếng thăm Trung Tâm Tu Học Viên Giác. Sau khi tham quan và cùng với Thầy uống Trà nói chuyện. Thầy có hỏi : “Hè này thầy định đi đâu ?”, chúng tôi trả lời : “Dạ, ở đây”, Thầy nhìn có vẻ ngạc nhiên và hỏi tiếp : “Thầy làm gì ở đây mùa hè ?”, chúng tôi trả lời : “Dạ, an Cư”, Thầy nói : “Ở đây an cư chắc đông lắm hả !?”, chúng tôi nói đùa : “đông lắm đó”, Thầy hỏi : “là bao nhiều vị ?”. Chúng tôi trả lời : “Tổng cộng một người”. Thầy ấy bật cười to lên, và chúng tôi cũng bắt chước cười theo. Sau đó chúng tôi hỏi : “Sao Thầy cười vậy ?”. Thầy nói : “Nghe Thầy an cư một mình, chắc lạnh lắm hả !?”. Chúng tôi trả lời : “Không, không lạnh lắm đâu, mùa hè Ấn Ðộ ấm lắm!”. Thầy ấy nói tiếp : “À! thường “An cư” phải có bốn vị Tỳ kheo trở lên”. Chúng tôi trả lời : “Dạ, con ở đây chỉ một mình, nên tâm niệm an cư thôi”.
Lúc Ðức Phật còn đương thời, thường dạy các Ðệ Tử phải an cư ba tháng hạ, nhằm huân tu, thúc liễm thân tâm .v.v. TTTH Viên Giác từ khi khánh thành cho đến nay, đều tổ chức An cư ba tháng hạ. Năm nay tiếp tục tổ chức An cư với chương trình sinh hoạt như sau :
4 giờ 45 Hô Chuông 5 giờ Tĩnh Tọa 5 giờ 15 Công Phu Khuya 7 giờ Tảo Thực 7 giờ 30 Chấp Tác 10 giờ Cúng Ngọ 11 giờ Ngọ Trai 12 giờ Chỉ Tịnh 14 giờ` Tu Tập Cá Nhân 17 giờ Công Phu Chiều 18 giờ Vãn Thực 18 giờ 30 Tu Tập Cá Nhân 21 giờ Chỉ Tịnh
Ngày mười sáu tháng năm là ngày lễ Phật Ðản ở BÐÐT, cũng là ngày chúng tôi nhập Hạ an cư. Sáng hôm nay, chúng tôi lên Chánh Ðiện để phát nguyện nhập Hạ. Một mình lặng lẽ bước trên các bậc thang lên lầu, chúng tôi cứ đắn đo, không biết mình phải thưa thế nào với Ðức Phật đây ? thứ nhất ở đây không đủ bốn vị Tăng thì mình chỉ xin Phật tâm niệm an cư thôi. Thứ nhì cuối tháng sáu phải về Viên Giác để dự lễ tấn phong của Sư huynh Hạnh Tấn, sau đó phải đi về Nauy làm giấy tờ và giải quyết một số công việc, nhân tiện thăm gia đình luôn. Do đó, chúng tôi nghĩ chắc mình năm nay an cư di động quá !!! và cuối cùng chúng tôi quyết định thôi mình thưa với Phật tâm niệm an cư một tháng thôi ! quyết định như vậy.
Chúng tôi quỳ, cầm ba nén hương tác bạch : “Ðệ tử hôm nay xin phát nguyện tâm niệm nhập hạ an cư một tháng tại TTTH Viên Giác. Mỗi buổi sáng trước khi dùng điểm tâm, chúng tôi kiểm tra công nhân đến có đủ không và cũng phân công tác cho họ. Tự Viện thì lớn mà không có chúng, do đó có mướn sáu người Ấn Ðộ giúp việc. Một anh (Anwar) nấu ăn. Anh này đã được các Sư cô huấn luyện nhiều, nên nấu đồ ăn Việt nam cũng khá và ba anh lau dọn phòng ốc. Chúng tôi cũng phân công ra cho dễ làm việc và kiểm soát. Anh Ramjanam dọn dẹp, chịu trách nhiệm tầng trệt; anh Naresh dọn lầu một; anh Binod lo lầu hai, là tầng Chánh điện. Còn hai anh gác cổng là Shamser (trực ban ngày) và anh Vijay Singh (trực ban đêm).
Bổn phận chúng tôi mỗi ngày phải lo các thời khóa tụng, sắp xếp công việc trong TT, tiếp khách, ngoài ra sửa chửa rất nhiều…có lúc chúng tôi lo không xuể. Do đó phải chỉ mấy em công nhân đi cúng Ngọ dùm, cũng như chú gác cổng ban đêm, mỗi sáng 4 giờ 45 hô chuông, chiều thì 6 giờ. Chúng tôi rất thích nghe chú hô chuông, vì chú đọc tiếng hán văn lơ lớ rất dễ thương!. Ðồng thời chúng tôi cũng chỉ anh gác cổng ban ngày xuất sanh. Mỗi lần ngọ Trai chỉ có một mình, nên tận dụng luôn mấy anh Ấn Ðộ và cũng tạo các duyên cho các anh gây chủng tử…
Chúng tôi chưa từng kinh nghiệm qua cái cảnh tu niệm một mình, cũng như an cư leû loi thế nầy. Lần nầy coi như là bài học lớn phải không!? thường sau khi công phu khuya, chúng tôi bắt đầu lạy kinh Di Ðà (một chữ một lạy). Năm rồi, chúng tôi phát nguyện lạy mười bộ kinh Di Ðà (thì khoảng chừng mười bốn ngàn lạy). Nói đến chuyện này thật là xấu hổ!. Năm rồi các Thầy Cô đến đây tu. Có người phát nguyện lạy Kinh Pháp Hoa (Kinh Pháp Hoa có hơn tám chục ngàn lạy); có người phát nguyện lạy một trăm ngàn lạy; và bây giờ Sư Cô Như Bảo phát nguyện lạy Kinh Ðại Bát Niết Bàn (Bộ này ba quyển chắc cũng vài trăm ngàn lạy), chúng tôi nói đùa : “Sư Cô mà lạy xong Bộ này, chắc nhập Niết-bàn luôn quá! Ai nấy cũng đều cười hi… hi…!!! Ai cũng hoàn nguyện và trở về bổn xứ từ lâu từ hồi nào, mà chúng tôi vẫn chưa xong. An cư năm vừa qua, thầy Hạnh Hảo phát nguyện trì tụng kinh Hoa Nghiêm (một bộ ba quyển), ngoài ra thì trì Chú cả ngày. Tánh chúng tôi thích bon chen và bắt chước phát nguyện trì tụng Kinh Hoa Nghiêm và mười ngàn biến thần chú Ðại Bi. Nghe nói thật dễ sợ, nhưng một quyển kinh Hoa Nghiêm tụng từ An cư năm rồi tới nay cũng chưa xong và chỉ có trì tụng một ngàn biến Ðại Bi thôi. Coi như đã thiếu nợ quá nhiều. An cư năm nay là trả nợ lời nguyện.
Mới bắt đầu vào An cư ngày thứ hai, sao mà người mệt mỏi, lười biếng gì đâu! Sau khi công phu khuya là tiếp tục lạy kinh Di Ðà liền. lạy được một lạy, xuống lạy thứ hai tự nhiên không đứng lên nổi, giống như có cái gì đè nặng trên người. Và chúng tôi bắt đầu ì luôn trên sàn. Trong lúc đó, trong tâm lại nói thầm : “Ước gì đây là cái giường, thì hạnh phúc biết mấy!”. Sau khi ước ao như vậy, thì ông Phật nhỏ trong tâm hiển hiện và nói : “Mới an cư, sao mà kỳ vậy”. Chúng tôi lật đật ngồi dậy ngay, nhưng hỡi ơi sao vẫn thấy lờ mờ, nửa tỉnh nửa mê thì phải, có lẽ thiếu ngủ quá! Anh tự ngã của chúng tôi (hay còn gọi là anh Luật Sư biện hộ) nói : “Nếu mệt thì cứ đi ngủ, tỉnh táo tu tiếp cũng còn chưa muộn mà!”, nghe thật có lý, mau mau hồi hướng và đi về phòng. Sau khi thay y áo, là bay nhanh lên giường làm một giấc…tiếp tục màn hai cảnh cũ. Khi nghe tiếng kẻng điểm tâm, chúng tôi giựt mình dạy. Ô! Đã ngủ hơn nửa tiếng rồi, nên phải chạy nhanh xuống điểm danh công nhân. Ngồi ăn một mình, mà cứ nhớ lúc lạy Phật tức cười quá! sao giống con nít quá! Làm chúng tôi liên tưởng quý thầy kể chuyện ở Việt nam. Có một chú lên công phu khuya. người ta lạy, chú cứ đứng, ai cũng tưởng chắc chú tu thiền đứng hay nhập đại định rồi. xong buổi lễ mới phát giác ra chú đã và vẫn còn say xưa trong giấc mộng…nghĩ tới đó, rồi bật cười một mình…hi…!hi…!
Các Tu Viện và chùa ở đây thường hay sửa chửa vào mùa hè, vì mùa đông rất bận rộn khách hành hương thập phương … Tự Viện còn tu bổ rất nhiều. Do đó chúng tôi cố gắng sửa những chuyện cần thiết trước mùa mưa và mùa đông này. Có hôm chúng tôi mướn thợ hồ chống thấm các cửa sổ trên sân thượng. Thợ ống nước sửa các đường ống bị nghẹt vì cát từ giếng lên. Thợ mộc thay mấy bảng lề cửa trong Tháp, còn thợ điện sửa điện thọai. Tự Viện có sáu đường dây điện thoại, mà cứ hư hoài. Nhà đèn thường hay cúp điện bất chợp, rất dể làm cho máy móc hư. Qua kinh nghiệm hơn cả năm ở đây, chúng tôi cứ ăn no rồi sửa máy giặt, máy lạnh, máy nước nóng, máy Vi tính v.v.. ôi, phát mệt! những lúc như vậy, phải lên xuống các tầng lầu, không biết bao nhiêu lần cả ngày, vì phải coi thợ. Thợ Ấn làm, mình phải theo dõi, nếu không, một là họ ngưng làm xả hơi; hai là làm không như ý của mình. Họ tương đối là hiền, ít có bạo lực với nhau, nhưng sao khó tin quá!
Có một hôm cảm thấy thật mệt, nhưng thường tối là chúng tôi đọc sách, không hiểu sao con mắt cứ nhắm hoài, buồn ngủ quá! Thôi đi ngủ cho rồi. khi lên giường nằm, lăn qua lăn lại thì phát giác cái bấm Tivi (remote controll) trên giường. Lúc đó sao tự nhiên tỉnh tỉnh, và nghỉ đã lâu không có coi tin tức, không biết tình hình Irag và bệnh Sars ra sao rồi ? Bây giờ mới 9 giờ thôi mình coi chút. Nghĩ tới đó, chúng tôi liền bật ti vi. Mở lên trúng đài Ấn đang chiếu tranh giải Bóng Truyền (Volleyball) giữa đội Thái và Úc Châu. Quá! Đánh cũng khá hấp dẫn, làm chúng tôi bị lôi cuốn. Cầu thủ thái cao lắm là 1,75m thì chỉ ngang vai của Cầu Thủ Úc, giống như con nít chơi với người lớn vậy. Nhưng thật không ngờ, đội Thái đã thắng, làm cho chúng tôi ủng hộ, hô hào sau những lần ghi bàn quá tuyệt vời của đội Thái. Tiếp theo còn có đội nữ Trung Hoa và Brasil thi đấu rất hấp dẫn. Và chúng tôi tiếp tục ủng hộ cho đội Trung Hoa, vì Á Châu mà! cuối cùng thì Trung Hoa lại thắng. Quá, thật không ngờ! người Á Châu ngày nay chơi thể thao coi bộ khá quá!!! bỡi vậy đã làm cho chúng tôi thức cả đêm nằm bình luận trên giường… tới sáng chúng tôi không thể nào ngồi dậy nổi, mặc dù chuông đồng hồ reo inh ỏi… cuối cùng chúng tôi cũng rán đứng dậy, nhưng con mắt không chịu mở và phải rán mở hí hí ra. Khi mở được hí hí, chúng tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Ối! sao thanh vắng yên lặng, mà trời còn tối om. Anh tự ngã bắt đầu xuất hiện và nói : “Trong lúc mọi người đang say sưa trong giấc mộng, mà giờ này là lúc ngon giấc nhất, còn mình thì dậy tụng kinh, có thấy vất vả lắm không ? nếu mệt buồn ngủ thì để mai tụng cũng được, tại sao mình phải ép xác mình làm chi! Ðức Phật tu ba a-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật, còn mình chẳng lẽ tu một ngày là thành Phật liền hay sao ?” nghĩ có lý thiệt và toàn thân chúng tôi automatic ngã lại xuống giường, như hai cục nam châm hút với nhau vậy. Khi ngã xuống giường thẳng tay chân ra thấy đã đời gì đâu! Nên Phật có dạy rằng ngủ nghỉ cũng là một trong ngũ dục.
Trong lúc nằm trên giường vẫn còn chập chờn, thao thức, chúng tôi nhớ đến lời nói của anh tự ngã. Anh ta nói cái gì cũng có lý, vì anh ta là Luật sư biện hộ cho cái ngã của mình mà! nghĩ tới mấy đứa bạn, ai cũng có sự nghiệp, gia đình và giờ này chắc bay nhảy ngang dọc trong giang hồ… còn mình lẻ loi nằm đây. Có phải vì mình khổ lắm, nên bỏ đi tu phải không ? Mình đâu có gì khó khăn lắm đâu… và anh tự ngã đã tự đặt ra muôn ngàn câu hỏi như vậy. Lúc đó chúng tôi cảm thấy Bồ Ðề Tâm của mình hình như đã gởi cho Ðức Phật hồi nào thì phải. Vì lẽ đó mà chúng tôi biết rằng thật ra tự lực của mình yếu lắm. Mình đi tu thật sự không là ý của mình đâu, mà là ý của Phật. Ðức Phật ra đời thành Đạo, thuyết Pháp độ sanh cũng là vì muốn cho chúng sanh đi tu giác ngộ như Phật. Ngày hôm nay, mình biết được triết lý Phật giáo và đi tu, đó cũng ý muốn hay nói cách khác là tha lực, chứ còn tự của mình rất kém. Nếu nói cái gì cũng do tự lực tôi và đều là ý tôi, thì mình đã giác ngộ lâu rồi, và giờ này chắc cũng ngồi bàn thờ ăn trái cây, đâu cần tu tập làm chi, mà Phật chẳng cần ra đời, thuyết Pháp bốn mươi chín năm làm chi cho vất vả…thật ý của chúng ta là thích đi chơi trong tam Giới luân hồi và tìm kiếm những cái lạ hay nói đúng hơn là muốn hưởng thụ ngủ dục như Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy. Trong lúc hoang mang ưu tư, chúng tôi tự nhiên lại nhớ cái chết của Ba chúng tôi, lúc đang nằm trên giường xanh xao, nhìn thấy thật là sợ. lúc đó chúng tôi mới nghĩ đến Ngài Quy Sơn có dạy : “Vô thường lão bệnh bất giử nhân kỳ, chiêu tồn tịch vong, sát-na dị thế, thí như xuân sương hiểu lộ, thúc hốt tức vô, ngạn thọ tĩnh đằng, khởi năng trường cửu”, tạm dịch thoát ý : “Sự vô thường già bệnh không cho ai kỳ hẹn, sớm còn tối mất, một sát-na là qua đời khác, giống như xuân sương có đó, chốc lát mất đó, như cây bên bờ, dây bên giếng (dây leo), sao có thể tồn tại lâu dài”. Nhớ tới những lời dạy của ngài mới thấy thân người mong manh thật! đang ưu tư như vậy, đột nhiên ông Phật nhỏ hiện lên và nói : “Dậy đi ông ơi! sáng rồi”. Ngay lúc đó, chúng tôi coi đồng hồ đã trễ hơn nửa tiếng rồi, và chúng tôi tung dậy, bay thẳng vào toilett rửa mặt, sau đó mặc y áo, rồi vọt lên Chánh điện như tên bay. Khi xướng lễ, chúng tôi lại phát giác hồi nãy vội vả rửa mặt, mà quên súc miệng. A cha! thật tệ quá phải hôn! chắc Ðức Phật cũng tức cười và thông cảm cho kẻ bần tăng phàm phu này hi…! hi…!
Ngày hai mươi tháng sáu, trong lúc lễ Phật, chúng tôi thấy có bóng người bước vào Chánh điện lễ Phật và chúng tôi lén nhìn, À! thì ra là thầy Như Tú. Như vậy có thêm một bạn đạo rồi. Người ta thường nói : “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, do đó chúng tôi cũng thấy mừng trong lòng. Mỗi lần tụng Kinh, hai chúng tôi tán tụng hò hét vang lừng cả Tự Viện với sự trợ giúp của micophone. Thật không ngờ hai người tán tụng cũng hợp rơ quá! Thầy Như Tú thấy có vẻ thích nghe mấy anh Ấn hô canh, cũng như đi xuất sanh .v.v. mỗi buổi ăn hai chúng tôi thường tâm sự, trao đổi về mọi đề tài. Có thầy rất đỡ, trong những lúc chúng tôi phải ra ngoài mua đồ. Thầy thỉnh thoảng cũng than “Trời nóng quá!”. Thật ra nóng thiệt! có lúc chúng tôi cảm thấy nhức đầu, mệt mỏi, không làm gì nổi, ăn cũng không nổi, chỉ uống nước là khỏe nhất. Từ khi đi tu tới bây giờ, chưa khi nào ở trần cả, nhưng ở đây đôi lúc ngủ chúng tôi phải sexy năm chục phần trăm nữa đấy!
Ngoài những thời khóa cố định, thầy Như Tú còn tu tập thêm vào ban đêm. Chúng tôi cũng bắt chước sau thời công phu khuya đổi ngồi thiền. Lúc đầu ngồi mười lăm phút, kế đó ngồi hai mươi phút, sau vài hôm đổi lại ngồi một lần ba mươi hoặc bốn mươi phút. Khi ngồi thiền đối diện với tâm, thì mới thấy sự tự chủ của mình thế nào. Khi bắt ngồi thiền, chúng tôi theo dõi hơi thở đâu cũng được vài phút, đột nhiên trong tâm khởi lên đủ chuyện vui buồn lẩn lộn…có đôi lúc nhớ những chuyện hồi nhỏ, đặc biệt lúc thiếu thời. Chắc tại lúc đó có nhiều kỷ niệm vui quá!!! Do đó khi nó khởi lên thì chúng tôi chạy từ đầu tới cuối câu chuyện mới thôi. Khi sực tỉnh mới biết, mình ngồi đây, mà tâm đi ngao du ở đâu đó…sau đó làm lại từ đầu và cố đếm hơi thở, không để mình chạy theo vọng niệm nữa, nhưng cũng chạy theo nó đều đều. Chúng tôi băn khoăng không biết tại sao mình cứ chạy theo và bị lệ thuộc nó, mặc dù biết rằng nó là giả. Nhưng nghĩ lại thì không có gì lạ hết, tâm của chúng tôi thích động hơn tịnh; thích cái gì có mặt của tham sân si thì mới hấp dẫn, còn giải thoát giác ngộ, thanh tịnh thì chán lắm. Vì vậy tất cả những vọng niệm đều là ý muốn của mình, nên khi nó khởi lên thì mình chạy theo rất dễ dàng.
Quý Thầy thường dạy rằng nếu chúng sanh đều thích giác ngộ giải thoát và Niết-bàn, thì chư Phật Bồ Tát chắc thất nghiệp dài dài… khỏi phải lo độ sanh làm chi! Ðức Phật có dạy : “Không có chiến thắng nào vẻ vang bằng tự chinh phục hay tự chủ lấy mình”. Khi xưa nghe người ta thường nói câu này. Chúng tôi nghĩ câu này bình, có lẽ chưa hiểu ý nghĩa của nó. Bây giờ mới biết tự chủ chính mình là một sự tu tập gian nan và cũng là sự thành tựu đầy giá trị. Thường chúng ta thích chinh phục và sở hữu người này hoặc người khác.v.v. nhưng tự mình cũng không biết sẽ đi về đâu thì sự chiến thắng gì cũng chỉ tạm thời và giai đoạn thôi. Qua những lần tu tập như vậy mới biết tự lực mình còn yếu. Ðôi lúc tự nghĩ thầm, Đức Phật đã nhập diệt hơn hai ngàn năm trăm rồi. Mình cách thời Phật quá xa. Do đó quý Thầy dạy rằng bây giờ là thời mạt Pháp, vì đời sống vật chất phát triển quá cao, thành thử đời sống tinh thần con người giảm dần. Chư Tổ có dạy :
“Ðắc sanh nhân đạo nan, Sanh nhi trường thọ nan, Trực phùng Phật thế nan, Năng văn Phật Pháp nan, Văn Pháp sanh tín nan.
Xin tạm dịch thoát ý : “Ðược sanh làm người là khó, Sanh mà trường thọ là khó, Sanh vào thời Phật là khó, Nghe được Phật Pháp là khó, Nghe Pháp sanh tin là khó”.
Qua bài kệ trên, chúng tôi chiêm nghiệm bản thân thấy mình may được thân người, đầy đủ lục căn, mặc dù không may được gặp Phật, nhưng cũng được chiêm ngưỡng qua hình tượng bằng đá, xi măng .v.v. còn được học Phật Pháp và xuất gia nữa. Như vậy thật là may lắm phải hôn! Quý Thầy cũng thường dạy rằng chúng ta nhiều đời nhiều kiếp đã huân tập những tập khí tốt xấu đủ thứ, chỉ cần cải đổi những tập khí xấu và hướng thiện cũng không phải dễ. Ví như có người hay dễ nổi sân hay có người ưa ganh tị với người khác, mà muốn bỏ cũng là cả vấn đề. Chính vì cái khó đó, mà mình mới thấy sự nghiệp giác ngộ của Đức Phật có giá trị đối với chúng ta. Và chúng ta phải đối diện những trở ngại bên trong lẫn bên ngoài để thành tựu sự nghiệp giác ngộ thì sự thành tựu đó mới chân giá trị.
Ngày 06-06 thầy Như Tú đi về Delhi, nhưng trước hai hôm thầy Hạnh Nguyện từ Trung Quốc sang, thành ra chúng tôi không đến nỗi cô đơn lắm! mặc dầu như vậy, nhưng không biết thầy có đem bệnh Sars về không ? Nên cứ hỏi : “Thầy có triệu chứng gì không đây ?”, Thầy cười và nói : “coi chừng bị laây đó”, và chúng tôi cũng cười qua loa. Mặc dù như vậy, nhưng cũng phải để ý xem thầy có ho hen gì không… Thầy Hạnh Nguyện về rất vui, vì có nhiều chuyện trao đổi với nhau, nhưng có phần hơi bận rộn. Chúng tôi có tổ chức buổi cơm thân mật với thầy Tri Sự ở các Tự Viện lân cận. Một buổi cơm rất ấm cúm, vui vẻ. Vì vậy mà thầy Tổng thư ký của Phật Giáo Quốc Tế cảm động đứng lên phát biểu cảm nghĩ qua cái tình đồng đạo hiếm khi có được …
Thầy Hạnh Nguyện đã có ý định muốn làm mái nhà ở sân sau. Lần này chúng tôi tiến hành làm cấp tốc, cũng như phải tháo hết khung cửa chính, sẽ đổi mới luôn, vì thầy đã đặt mua mấy khung cửa và tủ kệ ở nhà bếp bên Trung Hoa. Hàng hóa cũng đang trên đường về. Thật tiếc hàng hóa chưa về, mà 17-06 Thầy phải đi. Chúng tôi rất mong nhận được hàng trước khi về Ðức thì tiện lợi biết mấy… nhưng cũng lo, không biết ai sẽ trông coi Tự Viện dùm, khi vắng mặt chúng tôi ở đây.
Thật may làm sao! Gần tới ngày thầy Hạnh Nguyện đi, thì Sư Cô Trí Hân (Trụ trì chùa Quan Âm ở Chicago) quang lâm chiếu cố và phát tâm coi Tự Viện dùm. Thì ra lúc nào cũng có Bồ Tát sắp xếp mà mình thật không biết…phải hôn!!!
Tối ngày 17 tháng 06, chúng tôi và Sư cô Trí Hân cùng ba vị thầy Tây Tạng đưa thầy Hạnh Nguyện ra nhà ga để đón máy bay ở phi trường Delhi về bổn quốc. Hôm nay cũng là ngày mãn hạ an cư một tháng, chúng tôi phát tâm cúng dường buổi cơm chiều tại một nhà hàng rất thiên nhiên mới mở, nằm trên đoạn giữa phố Gaya và Bồ Ðề Ðạo Tràng. Ngôi nhà hàng chiếm khu đất rộng lớn, có những ngôi lều nhỏ vừa đủ cái bàn, trang trí đơn giản thô sơ với những thanh tre. Chúng tôi ngồi ngoài trời gió mát thật thú vị làm sao! Hôm nay ăn rất ngon, không biết nhà hàng làm ngon hay là vì đang đói, và cũng có lẽ lâu rồi không ra ngoài để thưởng thức… như vậy!
Ðức Phật có dạy : “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Mặc dù chúng ta là phàm phu, nhưng nếu chúng ta biết mình có tánh Phật và cố gắng phát triển nó dần dần sẽ thành bậc giác ngộ như chư Phật không khác. Trong mùa An cư này, chúng tôi tự tu, tự học và làm việc lẫn lộn, không như những Đạo tràng khác. Tâm niệm tu tập có thăng có trầm, có tin tấn cũng có giải đãi. Do đó mà chẳng chứng được quả nào cả và coi như mình tu gieo duyên vậy thôi. “Tất cả cái gì cũng đều do nhân duyên sanh”, vì vậy hy vọng lần tu gieo duyên này sẽ được ngài Di Lặc thọ ký. Và chúng tôi muốn ghi lại những hình ảnh đó, những kỷ niệm đó làm bài học kinh nghiệm trên bước đường tập tu cho hiện tại và mai sau, ngõ hầu đền đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, cũng như chư Phật, Bồ Tát đã dày công hoằng dương Chánh pháp và cũng không phụ những vị đạo hữu Phật tử đã ủng hộ Đạo pháp nói chung và cá nhân chúng tôi nói riêng. Nguyện đem công đức này hồi hướng về khắp Pháp giới chúng sanh trọn thành Phật Đạo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ! Bodhgaya, ngày 16-05-2003
Tác giả bài viết: Giác Niệm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Kính thưa quý Phật tử xa gần! Người dân Việt Nam chúng ta thường có câu: “Mái Chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của Tổ Tông”. Thật vậy! Mái chùa là nói lên những nét đặc thù văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Do đó ai nhìn vào mái chùa cũng có thể hiểu được một phần nào...