PHÁT NGUYỆN + Sám hối: Sám hối nghĩa là gì? Sám nghĩa là ăn năn những lỗi lầm đã làm; hối nghĩa là hối cải sẽ không làm nữa. Nay chúng ta phát tâm sám hối những lỗi lầm đã gây ra trong kiếp nầy và nhiều kiếp về trước. Người biết sám hối là người biết tu sửa. Nhờ phát tâm sám hối mà tâm ý được nhẹ nhàng, thanh tịnh. + Quy y Tam Bảo: Quy y Tam Bảo nghĩa là gì? Chữ Quy là trở về; y là nương tựa; Tam Bảo là ba ngôi báu: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.
Phật Bảo: Bảo là những thứ đồ quý báu như vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, .v.v. Phật quý hơn đồ quý báu ở cuộc đời này. Vì Phật là bậc giác ngộ, hiểu được sự thật của cuộc đời nầy. Sự thật đó chính là chân lý. Ngài là bậc trí huệ, từ bi cứu độ chúng sanh qua cuộc đời lịch sử và giáo lý của Ngài.
Pháp Bảo: Pháp là những lời dạy, là những phương pháp giải khổ, chuyển sự si mê thành giác ngộ, chuyển người phàm phu thành thánh nhân, đưa chúng sanh thoát ly sanh tử luân hồi. Vì thế, pháp của đức Phật gọi là “pháp xuất thế gian”. Pháp thế gian chỉ là những kiến thức giúp cho con người có một nghề nghiệp để mưu sinh kiếm tiền nuôi tấm thân nầy. Ví dụ như nha sĩ, bác sĩ, kỷ sư .v.v.
Tăng Bảo: Tăng là một đoàn thể từ bốn người trở lên sống hòa hợp và tu tập chân chánh theo giáo pháp của đức Phật.
Vậy quy y Tam Bảo là phát tâm trở về nương tựa Phật bảo, Pháp bảo và Tăng Bảo cho đến khi thành Phật.
Phát Bồ Đề: là phát tâm cầu thành Phật độ hết chúng sanh trong mười phương pháp giới. Chư Phật, chư Bồ Tát nào trong quá khứ cũng đều phát đại bi tâm, nguyện thành Phật độ cho hết thảy chúng sanh muôn loài trong mười phương pháp giới. Vì tâm từ bi của đức Phật bao la, nên bao trùm cả khắp pháp giới chúng sanh. Do đó mới nói rằng Phật giáo là đạo từ bi. Tất cả mọi người đều có tâm từ bi, nhưng tại vì chúng ta không biết khai triển và mở rộng nó ra. Nó không đâu xa; nó đang ngự trong ta. Chúng ta mở tâm từ bi của mình ra không có tội, không có giảm thọ, không có khổ và không có tốn tiền gì cả. Vậy tại sao chúng ta không chịu mở tâm từ bi của chúng ta ra? Vậy, chúng ta còn chờ gì nữa? Tâm từ bi nầy mới chính là tâm thật của chúng ta. Nay, chúng ta hãy mở rộng tâm từ bi của chúng ta qua sự phát tâm nói trên. Được như vậy, Phật chính là chúng ta, chúng ta chính là Phật!
+ Hồi hướng: Nguyện đem công đức của mình có được, hồi hướng cho pháp giới chúng sanh ở mười phương đều thành Phật đạo. Chúng ta tu tập hay làm công đức gì cũng phải cầu nguyện, nghĩ đến hồi hướng cho chúng sanh, để mở tâm từ bi của mình.
TU TẬP – Một hôm đức Phật hỏi ngài Ca Diếp: “Nầy Ca Diếp! Nếu có người đứng bên đây bờ và muốn sang bên kia bờ. Người đó đứng cầu nguyện hoài, thì người đó có thể sang bên kia bờ được không? Ngài Ca Diếp trả lời: “Bạch Thế Tôn, không được”. Đức Phật hỏi: “ Vậy phải làm sao mới có thể sang bên kia bờ?”. Ngài Ca Diếp đáp lời: “ Vị đó phải tìm cách bơi qua sông; hoặc dùng ghe hay thuyền để đưa qua sông”. Đức Phật nói: “Đúng như vậy! Một vị hành giả chỉ lo cầu nguyện thì làm sao hết được tham, sân, si, làm sao thành thánh nhân được. Nếu hành giả muốn thành Thánh, thành Bồ Tát, thành Phật, thì hành giả phải tu tập thanh tịnh hóa tâm của mình qua pháp tu giới, tu định và tu huệ”. Tu giới là đoạn ác, tu thiện là phát triển thiện căn và lợi ích chúng sanh; tu định là thanh tịnh hóa tâm; tu huệ là diệt trừ si mê, vô minh. Hành giả nào thứ nhất biết đoạn ác, tu thiện; thứ hai dứt trừ phiền não, khổ đau; thứ ba tâm lìa tham, sân, si, giận, hờn, thương, ghét, ích kỷ, ganh tỵ, bỏn xẻn, .v.v. , thanh tịnh hóa được tâm của mình. Thì tâm đó chính là tâm của một vị Thánh, một vị Bồ Tát, một vị Phật.
+ Tụng kinh: là tìm hiểu lời đức Phật dạy. Thường đọc tụng Kinh giúp cho hành giả tập trung và định tâm lại.
+ Nhất tâm niệm Phật:
Về sự: Niệm là nhớ nghĩ; Phật là bậc giác ngộ, trí huệ, từ bi. Niệm Phật là nhớ nghĩ đến đấng giác ngộ, trí huệ và từ bi, để chuyển tâm mình hướng thiện, hướng thượng, hướng đến sự giải thoát.
Về lý: Niệm danh hiệu Phật liên tục là để cột tâm của mình đừng để cho tâm tán loạn. Nếu niệm Phật được nhất tâm, thì tâm sẽ định lại. Đó là mình đã thanh tịnh hóa được tâm của mình.
+ Cách ngồi thiền đếm hơi thở (quán sổ tức):
Phương pháp nầy dùng hơi thở để cột tâm, giúp chúng ta diệt loạn tâm, thư giản thân tâm và định được tâm.
Phương pháp tu tập thiền định như sau:
Tư thế ngồi thiền: Ngồi được trên đất thì tiện hơn, vì giúp cho mình dễ tập trung hơn. Người già có thể ngồi trên ghế.
Khi ngồi trên đất, nên ngồi trên bồ đoàn hay cái gối. Ngồi kiết già là chân trái để lên đùi phải và chân phải để lên đùi trái, sao cho hai đầu gối chống xuống đất, thì lưng dễ thẳng hơn; ngồi bán già là chỉ một chân trái để lên đùi phải hoặc chân phải để lên đùi trái, sao cho hai đầu gối chống xuống đất; nếu hai cách nầy không ngồi được thì ngồi bình thường, sao cảm thấy thoải mái cũng được.
Như vậy thứ nhất là cách ngồi, thứ hai là phải thẳng lưng, thứ ba thẳng cổ, thứ tư mắt nhìn xuống sống mũi, thả lỏng, thứ năm uốn lưỡi để lên hàm răng trên, thứ sáu lưng quần không thắc chật bụng của mình, thứ bảy tay phải để lên tay trái, và toàn thân thả lỏng.
Nhập thiền:
Hít vào sâu bằng mũi, đưa khí xuống đan điền (ở bụng), thở ra từ từ bằng miệng. (3 lần)
Hành thiền:
Kế tiếp để hơi thở ra vào tự nhiên qua lổ mũi, không cần phải cố hít vào, thở ra. Chỉ cần theo dõi hơi thở ra vào mà thôi. Hơi thở vào, rồi hơi thở ra đếm thầm một; hơi thở vào, rồi hơi thở ra đếm thầm hai và đếm đến mười, sau đó bắt đầu đếm lại từ một đến mười.
Chúng ta có thể ngồi 15 phút hoặc 30 phút tùy ý.
Xả thiền:
Xoa hai tay cho ấm, massage mắt, mũi, mặt, trán, đầu, lỗ tai, ót, cổ.
Xoay hai vai vòng tròn từ ngoài vào trong, kết hợp hơi thở, làm 5 lần và xoay ngược lại.
Tay trái bóp cánh tay phải từ trong ra và đổi bên.
Massage lưng và thận, đấm vào thận (bóp hai bàn tay lại, sau đó đưa ra sau, đấm vào thận. Thận nằm đối diện với cái rún phía sau).
Dũi hai chân ra và bóp từ trong ra ngoài, sao cho giản gân cốt, rồi đứng dậy.
KẾT LUẬN Ở đời có nhiều thú vui, khoái lạc, mà có thể làm cho người ta cảm giác vui sướng hay hạnh phúc. Vì lẽ đó, mà con người mãi đam mê chạy theo để đạt được hết tất cả những hạnh phúc nói trên; đôi lúc cũng bất chấp thủ đoạn, cho đến khi nào cảm thấy thân nầy không còn hoạt động được nữa, thì mới thôi. Vì lẽ đó mới nói: “Cuộc đời là cõi mê”. Khi thân nầy tan rã mất đi, thì những cảm giác vui, buồn, khoái lạc, sung sướng, hạnh phúc, .v.v. đều theo đó tan biến và lúc đó tâm ham muốn khởi lên quyến luyến, nuối tiếc cái hạnh phúc nói trên, rồi đau khổ sẽ từ đấy phát sanh. Ôi! Hạnh phúc chỉ có tạm bợ, mà khổ đau thì thật sự!
Hạnh phúc không tự nhiên đến với mọi người. Do đó, mọi người ai cũng đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc có được từ bên ngoài qua ai đó, vật chất nào đó, hay qua cảm giác nào đó, .v.v. nó lại không có tồn tại hoài mãi. Do vậy, cái hạnh phúc nào mà chúng ta cảm thấy vui sướng nhất, khi nó mất đi, thì chính cái hạnh phúc đó làm chúng ta đau khổ nhất, và nó sẽ giết chúng ta chết một ngày nào đó. Đức Phật chỉ chúng ta đi tìm cái chân hạnh phúc, nó không lệ thuộc vào ai, hay lệ thuộc vào cảnh bên ngoài. Cái chân hạnh phúc đó không đâu xa; đó chính ở trong ta. Mặc dù, chân hạnh phúc có sẳn trong ta, nhưng không phải chúng ta muốn là nó đến, mà chúng ta phải tạo ra, hay nói cách khác là chúng ta phải tu tập. Đức Phật dạy rằng 1) không làm việc ác, 2) làm việc thiện và 3) thanh tịnh hóa tâm mình. Khi tâm thanh tịnh, thì không còn phiền não, khổ đau nữa. Cái hạnh phúc nầy mới bền lâu. “Nếu sống an lạc, thì chết bình an”.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
VIEN GIAC PAGODE NGHI THỨC TANG LỄ TODESZEREMONIE - DEALTH CEREMONY PHẬT LỊCH 2567 – DƯƠNG LỊCH 2023 NGHI THỨC TANG LỄ TODESZEREMONIE - DEALTH CEREMONY CẦU NGUYỆN – BETEN - PRAYER Nam Mô Bổn...